Số ngày phân phối (Distribution Day): Công cụ xác định đỉnh của William O’Neil và Nhật Báo IBD

Làm Thế Nào Để Xác Định Thị Trường Chứng Khoán Tạo Lập Đỉnh

Để phát hiện đỉnh của thị trường chứng khoán, hãy theo dõi thật kỹ chỉ số S&P500, chỉ số tổng hợp NYSE, chỉ số Dow Jones, chỉ số tổng hợp Nasdaq mỗi ngày khi chúng vẫn còn đang trong xu hướng đi lên. Trong số những ngày tăng giá này, khối lượng giao dịch toàn thị trường sẽ tăng so với ngày trước đó, nhưng mức tăng của thị trường càng ngày càng ít đi (người dịch: khối lượng tăng mạnh nhưng giá không tăng nhiều đó là dấu hiệu cảnh báo tạo lập đỉnh). Tôi gọi hiện tượng này là: “khối lượng lớn nhưng giá không tăng mạnh.”. Các chỉ số thị trường không cần thiết phải giảm ngay vào ngày hôm đó, nhưng trong phần lớn các trường hợp, nó đang cho thấy dấu hiệu phân phối vì các nhà giao dịch chuyên nghiệp đang thanh lý vị thế và thoát ra khỏi thị trường. Chênh lệch giữa mức đỉnh cao nhất và mức đáy thấp nhất trong ngày (spread) có thể trở nên hẹp hơn so với ngày giao dịch trước đó cũng là một tín hiệu cho thấy đỉnh đang tạo lập.

Do quy mô vị thế lớn, các nhà giao dịch chuyên nghiệp thường đóng vị thế khi giá cổ phiếu còn đang tăng mạnh, gần thời điểm thị trường chung tạo lập đỉnh. Thông thường, một hoạt động đóng vị thế bình thường này sẽ diễn ra trong 3 đến 6 ngày giao dịch (người dịch: gọi là những ngày phân phối) trong bất cứ giai đoạn 4 hoặc 5 tuần nào. Nói cách khác, thị trường xuất hiện dấu hiệu phân phối ngay cả khi nó đang tăng giá! Đây là một lý do giải thích tại sao chỉ rất ít người biết cách nhận diện dấu hiệu phân phối. Sau 4 hoặc 5 ngày phân phối trong bất cứ khoảng thời gian 4 hoặc 5 tuần, thị trường chung gần như luôn đảo chiều.

4 ngày phân phối, nếu được xác định chính xác trong khoảng thời gian 2 hoặc 3 tuần, đôi khi cũng đủ để xác định trước điểm đảo chiều của thị trường. Đôi khi sự phân phối có thể kéo dài đến 6 tuần nếu như thị trường cố gắng để thiết lập đỉnh mới. Nếu bạn vẫn còn mơ ngủ hoặc không nhận thức được những dấu hiệu này, bạn sẽ bỏ lỡ các tín hiệu thiết lập đỉnh được phát ra từ chỉ số S&P500, chỉ số Tổng Hợp NYSE, chỉ số Nasdaq, hoặc chỉ số Dow Jones (bạn rất dễ bỏ lỡ tín hiệu thiết lập đỉnh vì chúng chỉ diễn ra trong vài ngày). Điều này sẽ khiến bạn sai lầm về xu hướng thị trường chung và do đó, tất cả những gì bạn làm đều sai.

Một trong những vấn đề lớn nhất vào thời điểm thị trường chung tạo lập đỉnh là phần lớn quan điểm và ý kiến của các nhà đầu tư đều rất lạc quan. Rất khó để kiềm chế lòng tham và thay đổi quan điểm. Nếu bạn luôn luôn bán và cắt lỗ khi giá thấp hơn 7% hoặc 8% so với điểm mua vào, bạn có thể buộc phải tự động bán đi ít nhất 1 hoặc 2 cổ phiếu khi thị trường chung bắt đầu điều chỉnh. Cách làm này sẽ giúp bạn sớm có tư duy thận trọng. Bằng cách tuân thủ quy tắc cắt lỗ đơn giản nhưng hiệu quả này, rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã không bị thua lỗ lớn trong đợt sụp đổ năm 2000 của các cổ phiếu dẫn dắt thuộc ngành công nghệ cao và trong thị trường con gấu năm 2008 tạo bởi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở ngành bất động sản.

Để một trong các chỉ số thị trường chung tạo ra tín hiệu thiết lập đỉnh có giá trị, dấu hiệu phân phối phải lặp lại liên tục. Bạn không cần thiết phải nhìn thấy nhiều chỉ số thị trường đồng loạt phát ra dấu hiệu phân phối trong 4, 5, hoặc 6 ngày giao dịch. Tương tự, nếu một trong những chỉ số thị trường chung giảm điểm vào ngày có khối lượng lớn hơn so với ngày hôm trước, nó nên giảm điểm nhiều hơn mức 0.2% để được tính là ngày phân phối.

Bạn Không Cần Phải Tự Mình Làm Hết Mọi Công Việc: Nhật Báo IBD sẽ giúp đỡ bạn

Cách làm đơn giản nhất là bạn phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra nhận định của hộp Nhịp Đập Thị Trường (Market Pulse) trong chuyên mục Bức Tranh Toàn Cảnh (The Big Picture) của Nhật Báo IBD. 

Phương pháp 3 giai đoạn của IBD giúp bạn biết được liệu áp lực bán có đang tăng lên hay không, nghĩa là xu hướng tăng hiện tại đang đứng mấp mé bên bờ vực nguy hiểm. Hãy nghĩ nó giống như tín hiệu đèn giao thông: đèn xanh (Xu Hướng Tăng Được Xác Nhận), chuyển sang đèn vàng (Xu Hướng Tăng Có Thể Bị Thay Đổi) và cuối cùng là đèn đỏ (Thị Trường Đang Ở Trong Xu Hướng Giảm).

Bạn có thể thấy trong hình dưới, ngay phía dưới các ô màu đỏ là số ngày phân phối (Distribution days) mà Nhật Báo IBD đã giúp bạn xác định.

 

[ chú thích từ tiếng anh trong hình:

Confirmed uptrend (Xu Hướng Tăng Được Xác Nhận)

Uptrend under Pressure (Xu Hướng Tăng Có Thể Bị Thay Đổi)

Market in correction: (Thị Trường Đang Ở Trong Xu Hướng Giảm).]

Khi Số Ngày Phân Phối Đạt Ngưỡng, Đó Là Dấu Hiệu Cảnh Báo Cho Bạn Biết Khó Khăn Đang Ập Tới

Thậm chí ngay cả khi thị trường đang ở trong một xu hướng tăng, chúng ta vẫn phải quan sát những “ngày phân phối”- là ngày mà một trong các chỉ số thị trường chung (chủ yếu là Nasdaq, S&P500 hoặc Chỉ Số Công Nghiệp Dow Jones) có áp lực bán mạnh.

Nếu số ngày phân phối bắt đầu đạt ngưỡng, hãy cực kỳ cảnh giác! Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đang rời bỏ thị trường, nghĩa là xu hướng tăng hiện tại sắp hết năng lượng.

Nếu bạn nhìn thấy 6 ngày phân phối trong bất cứ khoảng thời gian 4-5 tuần nào, thị trường chung nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh.

Bạn có thể dễ dàng theo dõi số ngày phân phối bằng cách thường xuyên theo dõi hộp Nhịp Đập Thị Trường (xem ví dụ ở trên). Nếu số ngày phân phối đạt ngưỡng (người dịch: thường là khi có 6 ngày phân phối), dòng triển vọng thị trường (outlook) sẽ chuyển từ “Xu Hướng Tăng Được Xác Nhận” sang “Xu Hướng Tăng Có Thể Bị Thay Đổi” và cuối cùng là “Thị Trường Đang Ở Trong Xu Hướng Giảm”. (Lưu ý: số ngày phân phối cần thiết để khiến thị trường chuyển sang xu hướng giảm có thể thay đổi theo thời gian. Hãy đọc chuyên mục Bức Tranh Toàn Cảnh thường xuyên để theo dõi kỹ bất cứ sự thay đổi nào của chúng tôi.)

Hãy nghĩ xem quá trình 3 giai đoạn này hữu ích như thế nào.

Mặc dù một số thị trường rất biến động, nhưng hầu hết mọi sự thay đổi trong xu hướng thị trường thường diễn ra trong vài tuần, vì thế bạn hoàn toàn có đủ thời gian để bảo vệ đồng vốn của mình.

Bạn Nên Làm Gì Khi Nhìn Thấy Số Ngày Phân Phối Đạt Ngưỡng?

Đầu tiên và trước hết, hãy đảm bảo bạn luôn tuân thủ kế hoạch bán của chính mình.

  • Tìm kiếm cơ hội để chốt các khoản lợi nhuận khá lớn. Nếu bạn đã có một cổ phiếu tăng 20%-25% từ điểm mua, tại sao không chốt một phần hoặc toàn bộ số lợi nhuận này? Nếu số ngày phân phối tiếp tục tăng, hãy tìm xem bạn có bất cứ cơ hội nào để thoát hàng hay không.
  • Cắt lỗ nhanh ở bất cứ mức lỗ nào. Thậm chí ngay cả trong một thị trường tăng giá mạnh, việc giá cổ phiếu giảm 7%-8% xuống thấp hơn so với giá mua của bạn, bạn cũng phải cắt lỗ ngay lập tức. Trong thị trường yếu, bạn càng phải cắt lỗ sớm hơn nữa, có thể chỉ là 3%-4%. “Cẩn tắc vô ưu mà!”

Sau đây là một hướng dẫn cơ bản để bạn biết cách phải xử lý như thế nào khi số ngày phân phối tăng lên:

Sau Đợt Giảm Mạnh Đầu Tiên Từ Đỉnh, Theo Dõi Các Đợt “Nỗ Lực Hồi Phục (Rally Attempt)” Có Thể Xuất Hiện Trong Xu Hướng Giảm

Sau khi có đủ số ngày phân phối yêu cầu với khối lượng tăng xuất hiện ở gần đỉnh, và đợt giảm mạnh đầu tiên xảy ra, bạn nên quan sát xem liệu có đợt nỗ lực hồi phục yếu ớt ở các chỉ số thị trường (dấu hiệu tiêu cực cho thấy xu hướng giảm sẽ tiếp tục) hay là những dấu hiệu tích cực từ ngày “bùng nổ theo đà (follow-through day)” với giá và khối lượng tăng mạnh. Bạn phải học cách biết chính xác dấu hiệu gì cần phải tìm kiếm và không có thành kiến về xu hướng thị trường[1]. Hãy để cho chỉ số thị trường nói cho bạn biết thị trường đã và đang làm gì. Xem thêm

Ngày Bùng Nổ Theo Đà (Follow-Through Day): Phương Pháp Nhận Diện Đáy THị Trường của William O’Neil

Ba Dấu Hiệu Cho Thấy Đợt “Nỗ Lực Hồi Phục Đầu Tiên” Thất Bại

Sau khi thị trường đã lập đỉnh và có đợt giảm mạnh đầu tiên, thường sẽ có đợt hồi phục đầu tiên yếu ớt và sau đó thất bại. Ví dụ, sau ngày phục hồi đầu tiên, ngày giao dịch thứ hai sẽ mở cửa tăng giá nhưng bất ngờ đảo chiều giảm giá vào cuối phiên. Sự thất bại bất ngờ này thúc giục bạn tiếp tục bán cổ phiếu.

Bạn sẽ biết được đợt nỗ lực hồi phục đầu tiên là yếu ớt nếu có ba dấu hiệu: (1) chỉ số thị trường tăng giá ba ngày, bốn ngày hoặc năm ngày nhưng khối lượng giảm dần, ngày hôm sau thấp hơn ngày hôm trước; (2) các chỉ số thị trường có mức tăng giá ít hơn so với ngày hôm trước, hoặc (3) các chỉ số thị trường chỉ hồi phục chưa tới 50% đợt giảm mạnh đầu tiên (tính theo đỉnh cao nhất trong ngày). Khi bạn thấy các nỗ lực hồi phục yếu ớt này và thất bại, lời khuyên là tiếp tục bán cổ phiếu.

CASE STUDY

Bạn có thấy từ 7/9/2018-2/10/2018, tức chỉ 4 tuần, VN-Index có đến 7 ngày phân phối. 6 ngày phân phối đầu tiên diễn ra trong xu hướng tăng. Bạn đã thấy sức mạnh của ngày phân phối chưa?

Chúng tôi cảnh báo với nhà đầu tư về dấu hiệu phân phối diễn ra ngay tại đường kháng cự MA200 ngày

VN-Index thất thủ trước ngưỡng kháng cự MA200 ngày

Như bạn thấy trường hợp của VN-Index trong đợt tăng từ ngày  30/10/2018 đến ngày 13/12/2018. Các ngày phân phối 1, 2 và 3 xuất hiện ngay ở trong xu hướng tăng. Đến ngày phân phối thứ 5, tín hiệu bán xuất hiện và VN-Index quay trở lại xu hướng giảm. 

Đây là đợt “nỗ lực hồi phục” bị thất bại vì giá không hồi được 50% của đợt giảm trước đó. Các chuỗi tăng giá chỉ kéo dài 3-4 ngày với khối lượng thấp dần.

2 thoughts on “Số ngày phân phối (Distribution Day): Công cụ xác định đỉnh của William O’Neil và Nhật Báo IBD

  1. Pingback: CPI tháng 3 thấp hơn dự báo nhưng nỗi e sợ suy thoái kinh tế vẫn khiến Nasdaq có thêm ngày phân phối - Elibook.vn - Tri thức đầu tư

  2. Pingback: Làm thế nào để nhận diện đỉnh: Đếm số ngày phân phối - Elibook.vn - Tri thức đầu tư

Trả lời