William O’Neil: “Đầu tư cũng giống như làm vườn, bạn phải nhổ cỏ dại và chăm chút những bông hoa.”

Từ….cách Tư Duy Của Một Nhà Đầu Tư Thông Thường

Nếu bạn là một nhà đầu tư thông thường, bạn nên có nhật ký giao dịch. Hãy nhìn lại cuốn nhật ký để xem lại hành động giao dịch của bạn. Khi bạn dự định bán cổ phiếu, bạn thường so sánh với giá mua. Nếu cổ phiếu có lãi, bạn bán đi. Nếu cổ phiếu lỗ, bạn giữ lại. Bạn cho rằng mình không đầu tư vào thị trường chứng khoán chỉ để chịu mất tiền. Tuy nhiên, điều đáng lẽ bạn nên làm là bán các cổ phiếu bị lỗ đầu tiên. Đầu tư cũng giống như làm vườn, phải nhổ hết cỏ dại (bán cổ phiếu lỗ) và chăm chút những bông hoa (giữ cổ phiếu lãi).

Đáng tiếc, nhiều nhà đầu tư thường làm ngược lại. Họ vứt bỏ các bông hoa và giữ lại cỏ dại. Ví dụ, bạn có thể quyết định chốt lãi cổ phiếu Myriad Genetics sau khi có được khoản lợi nhuận khá cao, nhưng lại giữ cổ phiếu General Electric vì nó vẫn đang giảm giá và chưa trở lại mức giá bạn đã mua. Nếu đây là cách tư duy của bạn, bạn đang rơi vào “hiệu ứng mốc neo từ giá mua” mà 95% các nhà đầu tư trên thị trường phạm phải.

Giả sử bạn đã mua một cổ phiếu cách đây hai năm với giá $30, và bây giờ nó có giá $34. Hầu hết các nhà đầu tư sẽ nghĩ đến việc bán nó vì đang có một khoản lợi nhuận. Nhưng mức giá bạn đã mua cách đây 2 năm thì có liên quan gì đến giá cổ phiếu hiện nay cơ chứ? Điều bạn phải quan tâm là sức mạnh giá tương đối của cổ phiếu này với các cổ phiếu khác và tiềm năng tăng giá trong tương lai.

 Đến… bí quyết kiếm tiền của các nhà đầu tư thành công: Chén thánh duy nhất là Cắt Lỗ Nhanh và Chốt Lãi Chậm

Một nhà đầu tư lão luyện từng nói rằng, khoản lỗ đầu tiên trên thị trường là khoản lỗ nhỏ nhất. Theo quan điểm của tôi, cách đưa ra quyết định đầu tư khôn ngoan luôn luôn là cắt lỗ nhanh và chốt lãi chậm (không hề có ngoại lệ). Hầu hết các nhà đầu tư đều bị cảm xúc làm rối trí, chốt lãi nhanh trong khi chậm cắt lỗ.

Bernard Baruch, một nhà giao dịch chứng khoán nổi tiếng ở Phố Wall và là cố vấn tin cậy của nhiều đời Tổng Thống Mỹ, từng nói: “Nếu một nhà đầu cơ chỉ cần chiến thắng một nửa trong số các giao dịch, anh ta đã trở thành một nhà giao dịch trung bình khá. Thậm chỉ chỉ cần thắng được 3 hoặc 4 trong số 10 giao dịch, anh ta cũng có thể trở nên giàu có nếu nhanh chóng cắt lỗ ở những giao dịch thua lỗ.”

Quan điểm của Baruch về việc cắt lỗ đã nhắc tôi nhớ lại về câu chuyện của một nhà đầu tư mà tôi từng quản lý tài khoản vào năm 1962. Thị trường chung lúc bấy giờ đã giảm đến 29% và chúng tôi chỉ chiến thắng ở 1/3 các giao dịch trong tài khoản này nhưng tài khoản vẫn tăng khi tổng kết năm. Lý do vì khoản lợi nhuận ở 33% các giao dịch chiến thắng lớn gấp đôi các khoản lỗ vì chúng tôi đã cắt lỗ sớm.

Tôi luôn muốn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là 3:1. Nếu bạn thường xuyên kiếm được các khoản lợi nhuận từ 20% đến 25%, bạn nên cắt lỗ ở mức 7%-8%. Nếu bạn đang ở trong thị trường con gấu như năm 2008, và bạn mua bất cứ cổ phiếu nào, bạn chỉ có thể thu được khoản lợi nhuận ít ỏi 10%-15%. Trong trường hợp này, bạn nên cắt lỗ nhanh ở mức 3% mà không hề có ngoại lệ.

Marc Mandell, tác giả cuốn sách “Winning on Wall Street (Chiến Thắng Phố Wall)” đã là bạn đọc của Nhật Báo IBD từ năm 1987. Ông ấy thích tờ báo này vì nó mang lại cho ông nhiều ý tưởng kiếm tiền và nhấn mạnh các chiến lược quản trị rủi ro. Ông tin rằng: “Lỗ nhỏ và thắng lớn là bí mật chén thánh để trở thành nhà đầu cơ thành công.”

Kết quả hình ảnh cho cutloss cartoon

Mức rủi ro thật sự mà bạn gặp phải khi mua bất cứ cổ phiếu nào khi sử dụng phương pháp giao dịch được thảo luận ở trên là bao nhiêu? Là 8%, bất kể bạn mua cổ phiếu gì, nếu như bạn tuân thủ đúng quy tắc này. Tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư ngoan cố đặt ra những câu hỏi đại loại như: “Chẳng phải chúng ta nên giữ cổ phiếu và chờ đợi hơn là bán ra và ghi nhận khoản lỗ hay sao?” hoặc “ Liệu có nên áp dụng quy tắc cắt lỗ này trong mọi trường hợp hay không, hay là sẽ có một số ngoại lệ, chẳng hạn như khi công ty có một sản phẩm mới được khách hàng ưa chuộng?” Câu trả lời là: không có bất cứ ngoại lệ nào. Tất cả những chuyện này không hề làm thay đổi hoàn cảnh của bạn một chút nào. Bạn luôn phải bảo vệ số tiền mồ hôi nước mắt của mình.

Để cho khoản lỗ cứ lớn dần lên là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất mà hầu hết các nhà đầu tư phạm phải. Bạn phải chấp nhận thực tế rằng, sai lầm trong việc lựa chọn cổ phiếu và chọn thời điểm mua là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí ngay cả các nhà giao dịch nhiều kinh nghiệm nhất cũng mắc phải. Vì thế, bạn không cần phải ngoan cố chứng tỏ rằng mình tài giỏi. Tôi có thể nói thẳng, nếu như bạn không sẵn lòng cắt lỗ nhanh và giới hạn khoản lỗ, tốt nhất bạn không nên giao dịch cổ phiếu. Liệu bạn có dám lái một chiếc xe không có phanh ra đường không? Nếu là một phi công lái máy bay chiến đấu, liệu bạn có dám xung trận mà không có dù thoát hiểm?

Cắt Lỗ Cũng Giống Như Mua Bảo Hiểm

Việc giới hạn các khoản lỗ cũng giống như trả một khoản phí bảo hiểm nhỏ. Bạn đang làm giảm rủi ro xuống mức sẵn lòng chấp nhận được. Vâng, có thể cổ phiếu sẽ đảo chiều tăng giá ngay sau khi bạn vừa cắt lỗ. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng vì cắt lỗ đúng đáy. Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, đừng vội kết luận rằng, hành động bán cắt lỗ của bạn là sai lầm. Đây là một tư duy nguy hiểm sẽ đẩy bạn vào những thảm họa.

Hãy suy nghĩ theo cách này: Nếu bạn đã mua bảo hiểm cho chiếc xe vào năm ngoái và bạn không gặp phải bất cứ tai nạn nào, liệu như thế có phải là bạn đang lãng phí tiền bạc hay không? Liệu bạn sẽ lại tiếp tục mua bảo hiểm trong năm nay? Tất nhiên rồi, bạn nên làm đó! Bạn có mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà ở hoặc cơ sở kinh doanh của bạn? Nếu ngôi nhà hoặc cơ sở kinh doanh của bạn chưa bị cháy, liệu bạn có cho rằng đây là một quyết định tài chính sai lầm? Không, bạn không mua bảo hiểm cháy nổ vì biết chắc nhà mình sắp bị cháy. Bạn mua là để phòng hờ, để bảo đảm an toàn tài chính trước khả năng xảy ra thiệt hại nghiêm trọng trong tương lai.

 Đây chính là cách tư duy giúp các nhà đầu tư thành công nhanh chóng cắt các khoản lỗ. Đó là cách duy nhất giúp bạn tránh được nguy cơ đối diện với khoản lỗ lớn hơn rất nhiều, thậm chí khiến tài khoản của bạn không bao giờ có thể phục hồi lại được.

Kết quả hình ảnh cho loss insurance

Nếu bạn do dự và cho phép khoản lỗ tăng lên mức 20%, bạn cần kiếm khoản lãi 25% chỉ để hòa vốn. Nếu bạn tiếp tục chờ lâu hơn và cổ phiếu giảm 25%, bạn sẽ phải kiếm khoản lãi 33% để hòa vốn. Nếu bạn tiếp tục ôm khoản lỗ lâu hơn nữa, cho đến khi khoản lỗ là 33%, bạn sẽ phải kiếm khoản lãi 50% chỉ để hòa vốn. Tiếp tục để cho khoản lỗ trở nên lớn hơn, áp lực kiếm tiền của bạn trở nên nặng nề hơn vì khoản lỗ sẽ chống lại bạn theo quy luật hình học. Do đó, đừng bao giờ do dự trong việc cắt lỗ. Bạn phải hành động ngay lập tức để loại bỏ các quyết định đầu tư sai lầm. Hãy hình thành thói quen tuân thủ kỷ luật cắt lỗ.

Một vài nhà đầu tư để cho khoản lỗ lớn đến nỗi làm tổn hại nghiêm trọng sức khỏe của họ (người dịch: lo lắng và căng thẳng vì thua lỗ có thể dẫn tới các bệnh tim mạch và hệ tiêu hóa như dạ dày). Trong tình huống này, tốt hơn hết là bán hết mọi thứ và ngừng lo âu. Tôi biết một nhà môi giới chứng khoán, người từng mua cổ phiếu Brunswick vào năm 1961 tại mức giá $60 trong xu hướng giá xuống. Nó từng là siêu cổ phiếu dẫn dắt thị trường từ năm 1957 và đã tăng giá đến 20 lần. Khi giá giảm xuống mức $50, anh ấy tiếp tục mua nhiều hơn để bình quân giá. Anh ấy lại tiếp tục mua khi giá cổ phiếu giảm xuống còn $40. Đến khi cổ phiếu rớt xuống còn $30, anh ta đột tử ngay trên sân golf.

Lịch sử và bản chất con người không ngừng lặp lại trên thị trường chứng khoán. Vào mùa thu năm 2000, nhiều nhà đầu tư đã phạm phải sai lầm tương tự: họ mua Cisco (một cổ phiếu dẫn dắt của chu kỳ tăng giá trước đó), khi cổ phiếu này đang trên đường giảm giá $70, $60, $50 và tiếp tục xuống thấp hơn, sau khi đã đạt đỉnh tại mức $87. 7 tháng sau, cổ phiếu này rớt xuống còn $13, tức những nhà đầu tư đã mua tại giá $70 đã thua lỗ đến 80%. Bài học rút ra từ câu chuyện này là: đừng bao giờ tranh cãi với thị trường. Sức khỏe và sự bình yên trong tâm hồn của bạn luôn luôn quan trọng hơn bất cứ cổ phiếu nào.

Hãy xem khoản lỗ nhỏ giống như khoản phí bảo hiểm nhỏ khi bạn mua bất cứ cổ phiếu nào. Rất nhiều lần, cổ phiếu đảo chiều tăng giá ngay sau khi bạn bán cắt lỗ. Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, bạn phải ghi nhớ mục tiêu quan trọng nhất là phải giữ cho tất cả các khoản lỗ ở mức nhỏ. Lúc này, bạn vẫn còn tiền để chiến thắng ở cổ phiếu khác.

Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”

Trả lời