Bạn phải học cách bán cổ phiếu trước khi mua cổ phiếu. Đừng bao giờ làm ngược lại

Bạn Muốn Đầu Tư Giỏi Ư? Trước Hết Phải Học Cách Bán Đã!

Biết khi nào nên bán là một trong những khía cạnh bị xem nhẹ nhất và mơ hồ nhất trong đầu tư.

Nhiều gã gà mờ nhảy vào thị trường với suy nghĩ duy nhất là mua cổ phiếu nào, mà không hề suy nghĩ nhiều về việc khi nào nên bán. Như Nhà Biên Tập của Nhật Báo IBD- Chris Gessel từng nói: “Đầu tư mà không có quy tắc bán giống như học cách cất cánh (máy bay) nhưng lại không biết làm thế nào để hạ cánh!”

Kết quả hình ảnh cho lái máy bay

Đừng bao giờ nghĩ bán là một hành động tiêu cực. Nó là một phần quan trọng của việc đầu tư, giúp bạn kiểm soát tốt tiền bạc của mình. Giống như cái thắng xe, quy tắc bán giúp bạn tránh gặp phải “tai nạn”. Nó sẽ giúp bạn dừng lại tại nơi mong muốn, và bạn có thể gặt hái lợi nhuận vào đúng thời điểm.

8 “Bí Mật” Để Trở Thành Người Bán Giỏi

  1. Mọi người đều phạm phải sai lầm! Hơn nhau là ai cắt lỗ sớm.

Thậm chí nhà đầu tư giỏi nhất cũng có những giao dịch thua lỗ. Nhưng họ không ôm chặt cổ phiếu thua lỗ. Họ sẽ cắt lỗ sớm và tìm kiếm cơ hội khác.

Vì thế, hãy dẹp bỏ cái tôi và lòng tự tôn của bạn. Đừng để cho khoản thua lỗ làm tổn hại bạn về cả mặt tài chính lẫn tinh thần. Bạn có thể tránh khỏi vấn đề này bằng cách tuân thủ các quy tắc trong Danh Sách Tín Hiệu Bán.

  1. Nếu bạn không bán sớm, bạn sẽ bán trễ

Đừng quá tham lam. Hãy giữ kỷ luật! Để chốt được một mức lãi khá lớn, bạn phải học cách bán khi cổ phiếu vẫn còn đang tăng giá. Như William O’Neil từng nói: “Mục tiêu của bạn là kiếm được khoản lãi đủ lớn và không quá hưng phấn hay lạc quan. Chính lòng tham và cảm xúc khiến bạn vượt quá xa ranh giới cho phép khi cổ phiếu tiếp tục tăng giá cao hơn.”

Tôi sẽ chỉ cho bạn làm thế nào để thực hiện quy tắc chốt lãi 20%-25%.

  1. Phải có kế hoạch bán trước khi mua

Nếu bạn là một con người có dòng máu nóng như bất cứ ai, bạn sẽ cảm hận được sự đau đớn khi phải thực hiện cắt lỗ. Nếu bạn không có bất cứ quy tắc cắt lỗ và chốt lãi nào, bạn dễ dàng bị “cứng đơ người ra” và chẳng thể làm được gì vào thời điểm cần phải ra quyết định.

Nếu cổ phiếu của bạn còn tăng giá lên cao hơn, bạn có thể trở nên tham lam và muốn “ăn những đồng xu cuối cùng” từ thị trường tăng giá. Điều này khiến bạn không nhận ra những tín hiệu bán nhất định đang cảnh báo cổ phiếu có thể cắm đầu đi xuống. Nếu bạn cứ ôm khư khư khoản lỗ, bạn có rơi vào thói quen xấu “nắm giữ và hy vọng”. Bạn cầu nguyện giá cổ phiếu sẽ quay trở lại điểm hòa vốn nhưng thị trường lại tàn nhẫn đẩy giá chìm sâu trong sắc đỏ.

Đó là lý do bạn phải có một kế hoạch bán rõ ràng trước khi mua. Hãy viết ra giấy mức giá mục tiêu để cắt lỗ và chốt lợi nhuận. Bạn sẽ làm điều đó như thế nào? Chỉ cần tuân thủ Danh Sách Kiểm Tra Tín Hiệu Bán. Nó sẽ mang lại cho bạn một kế hoạch hành động hợp lý để bảo vệ vốn và tìm kiếm lợi nhuận.

  1. Đừng bao giờ để một khoản lãi khá lớn trở thành lỗ.

Chẳng hề có bất cứ bí mật nào trong biến động giá hàng ngày của cổ phiếu. Ngay cả một cổ phiếu đang ở trong xu hướng tăng, vẫn có những ngày hoặc vài tuần giảm giá. Để kiếm được tiền, bạn phải ôm chặt cổ phiếu trong suốt những cú rung lắc này và cần phải có thời gian để cổ phiếu tăng lên mức cao hơn.

Nhưng nếu bạn đã có một khoản lãi khá lớn, chẳng hạn như 15% hoặc 20% hoặc cao hơn thế, và cổ phiếu đang bắt đầu xu hướng giảm, đừng để cho khoản lợi nhuận này bị xóa sạch hoàn toàn.

Bạn nên tìm kiếm những tín hiệu cảnh báo như đã đề cập trong phần “Kế Hoạch Bán Phòng Thủ” của Danh Sách Kiểm Tra Tín Hiệu Bán. Nếu các nhà đầu tư tổ chức đang bắt đầu bán tháo, bạn nên chốt lợi nhuận cho dù đó là khoản lãi nhỏ. Nếu xu hướng tăng giá của thị trường chung bắt đầu bị bẻ gãy, bạn càng có lý do rõ ràng hơn để tăng nắm giữ tiền mặt.

Nếu bạn chọn cách nắm giữ cổ phiếu, luôn phải ghi nhớ mức giá mục tiêu để chốt lãi ở trong đầu. Ví dụ, nếu khoản lãi ban đầu của bạn là 20% nay giảm xuống còn 10%, bạn phải bán. Phải luôn nhớ kỹ mức giá bạn phải chốt lãi. Bạn hẳn không bao giờ muốn “một vé khứ hồi” khi mua cổ phiếu. Theo đó, giá tăng mạnh tạo ra khoản lãi lớn nhưng sau đó giảm ngược lại để biến thành khoản lỗ.

Hãy tin tôi đi, bạn sẽ thấy đỡ đau đớn hơn khi để cho một khoản lãi 15%-20% trở thành lãi 5%-10% hơn là chứng kiến nó biến thành khoản lỗ 5%. Đừng bao giờ quên: bạn luôn có thể mua lại cổ phiếu nếu như xu hướng tăng trở lại và các nhà đầu tư bắt đầu thu gom cổ phiếu một lần nữa.

  1. Đừng bao giờ “cưới” một cổ phiếu nào cả. Bạn chỉ “hẹn hò” mà thôi!

“Đôi ta mãi bên nhau… dù hạnh phúc hay khổ đau, dù giàu sang hay nghèo khó” là tình cảm đáng quý trong hạnh phúc gia đình, nhưng đó là ý tưởng tồi khi áp dụng vào đầu tư. Trong phần lớn trường hợp, tốt hơn hết là chấp nhận một khoản lãi đủ lớn khi bạn vẫn còn có thể, và sau đó tìm kiếm cơ hội tiềm năng khác. Đừng bao giờ do dự nói câu “chia tay” nếu như có nhiều tín hiệu cho thấy “cuộc hẹn hò” của banjd đang tệ đi.

Kết quả hình ảnh cho yêu thôi đừng cưới

  1. Hãy bán cổ phiếu đang lỗ trước.

Nếu bạn muốn xây dựng một đội bóng vô địch, liệu bạn có muốn bán đi các cầu thủ xuất sắc nhất và giữ lại những cầu thủ tầm thường? Tất nhiên là không!

Nhưng tiếc thay đó là cách mà nhiều nhà đầu tư đang làm. Họ bán đi những cổ phiếu đang có lãi lớn và kiên quyết nắm giữ những cổ phiếu đang thua lỗ (vì họ nghĩ rằng, cổ phiếu này rồi sẽ tăng giá). Đó thực ra chỉ là những mong ước hão huyền mà thôi. Để xây dựng danh mục bao gồm “những chiến mã thực sự”, bạn phải làm ngược lại. Bán cổ phiếu lỗ và sử dụng tiền này để mua thêm những cổ phiếu tốt.

 

  1. Khi mua cổ phiếu, bạn phải tập trung vào cả yếu tố cơ bản lẫn hành động giá. Nhưng khi bán, bạn chỉ cần quan sát hành động giá mà thôi.

Nhiều cổ phiếu dẫn dắt vẫn công bố tăng trưởng doanh số và lợi nhuận cao ngất ngưỡng ngay cả khi giá cổ phiếu đang sụt giảm. Đây chính là sự cảnh báo sớm được thể hiện trên đồ thị giá trước khi chúng xuất hiện trong các dữ liệu yếu tố cơ bản (chẳng hạn như doanh số và lợi nhuận yếu đi và những khó khăn mà công ty phải đối mặt). Có thể các nhà đầu tư tổ chức đã nhìn thấy trước điều này và họ bắt đầu chốt lợi nhuận, hoặc có thể toàn bộ thị trường chung đang suy yếu. Bất kể lý do là gì, khi đồ thị giá phát ra những tín hiệu cảnh báo, bạn phải thực hiện các biện pháp phòng thủ.

“Tất cả các cổ phiếu đều xấu- trừ khi chúng tăng giá.”

  • WILLIAM O’NEIL

Nghe thật buồn cười nhưng đó lại là thông điệp hết sức nghiêm túc của William O’Neil. Một cổ phiếu tuy có tăng trưởng lợi nhuận cao và các đặc điểm CANSLIM khác, nhưng nếu giá cổ phiếu vẫn tiếp tục chìm nghỉm, tại sao bạn phải mua hoặc nắm giữ nó? Đó có thể là công ty rất tuyệt vời, nhưng ít nhất vào lúc này, nó không phải là cổ phiếu tuyệt vời.

Nếu các nhà quản lý quỹ vẫn đang bán tháo cổ phiếu (điều bạn có thể nhìn thấy bằng cách theo dõi hành động giá và khối lượng trên đồ thị), bạn không nên nắm giữ nó chỉ vì nó đang có lợi nhuận lớn. Bạn đang chiến đấu trong một cuộc chiến mà bạn cầm chắc thất bại nếu như cố gắng nắm giữ cổ phiếu trong khi các nhà đầu tư tổ chức đang thanh lý vị thế.

DryShips là ví dụ điển hình. Mặc dù công ty vẫn công bố tăng trưởng doanh số và lợi nhuận lên đến ba con số nhưng các nhà đầu tổ chức vẫn đang bán tháo cổ phiếu, khiến cho cổ phiếu này rơi vào xu hướng giảm. Điều gì sẽ xảy ra với các nhà đầu tư “đã cưới” cổ phiếu này, khi họ cảm thấy “yêu” lợi nhuận lớn của nó? Họ chắc chắn sẽ kiên trì bám chặt cổ phiếu này, bên nhau từ lúc “giàu sang” ở đỉnh $130 cho đến lúc “nghèo khó” ở mức giá $2 trong suốt 5 năm trời. Điều này giúp mọi người hiểu ra tầm quan trọng của việc giới hạn khoản lỗ không được phép vượt quá 7%-8%.

Sự sụp đổ của giá cổ phiếu DryShip: Khi bán, hãy tập trung vào hành động giá chứ không phải lợi nhuận.

Lời kết: Khi bạn nhìn thấy những tín hiệu bán rõ ràng trên đồ thị, hãy bán ngay lập tức, thậm chí lợi nhuận của công ty vẫn còn rất tuyệt vời. Bạn có thể không biết lý do tại sao các nhà đầu tư tổ chức lại bán tháo cổ phiếu nhưng có ai thèm quan tâm đến điều đó chứ?! Sau này bạn sẽ biết rõ lý do, sau khi bạn đã bảo vệ đồng vốn của mình bằng cách an toàn đứng ngoài thị trường.

  1. Quy tắc bán quan trọng nhất là mua tại thời điểm hợp lý.

Cách đây vài năm, tôi mới bắt đấu thấu hiểu được chân lý hiển nhiên này, và nó đã giúp tôi tạo ra sự thay đổi lớn. Tôi nhận ra hầu hết các sai lầm của tôi đều có thể phân tích thành một vấn đề duy nhất: tôi mua sai thời điểm. Tôi có khuynh hướng nhảy vào mua sớm một chút hoặc mua rượt đuổi ở những cổ phiếu mà tôi đã bỏ lỡ điểm phá vỡ. Vì thế, thay vì có được lợi nhuận lớn, tôi thường bị sập một chân xuống dưới tảng băng mỏng khi cố bước đi.

Sửa chữa vấn đề này đã tạo nên sự khác biệt lớn. Nó cho phép tôi có được một vị thế tốt với lợi nhuận ổn định và bền vững hơn.

Về mặt tâm lý, rất dễ để đưa ra quyết định bán hoặc nắm giữ khi bạn đang có lãi. Nhưng khi bạn thua lỗ, tâm lý hoài nghi cộng thêm niềm hy vọng mỗi khi cổ phiếu bật tăng trở lại và nỗi e sợ khi cổ phiếu giảm sâu hơn, sẽ khiến đầu óc của bạn khó sáng suốt và đưa ra quyết định đúng đắn.

Không phải giao dịch nào cũng sẽ hoạt động tốt như bạn kỳ vọng, nhưng nếu bạn luôn luôn đánh giá cổ phiếu bằng Danh Sách Kiểm Tra Tín Hiệu Mua trước khi mua, bạn sẽ đầu tư vào các cổ phiếu tốt đang có lực mua từ nhà đầu tư tổ chức, ngay khi nó vừa tạo điểm phá vỡ vượt lên trên điểm mua hợp lý, trong một thị trường chung tăng giá. Đây chính là cách tốt nhất để bạn có được tư duy sáng suốt và có lợi nhuận ngay lập tức.

“Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được cho đến khi trải nghiệm nó”

– JOHN KEATS

Thật không may, tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ mắc phải sai lầm như nhà thơ người Anh- John Keat từng nói. Tôi dùng từ “thật không may” vì e rằng, nhiều người sẽ đọc lướt nhanh qua 8 “bí mật” này và chuyển sang phần tiếp theo, trước khi họ thực sự thấu hiểu nó.

Họ lại xông pha chinh chiến trên thị trường. Sau khi thua lỗ nặng và nhận ra: “Thật kỳ quái! Matt đã đúng! Tôi nên cắt lỗ sớm!” hay “Ôi! Tại sao tôi lại để khoản lợi nhuận lớn kia biến mất cơ chứ?!”

Nếu bạn đang thắc mắc những bí quyết này từ đâu ra?… Vâng, tôi đang nói về điều mà tôi đã từng trải. Tôi thực sự thấm thía “những bí quyết” này một cách đau đớn.

Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, bạn cũng cần phải trải qua nỗi đau giống như tôi! Chỉ cần bạn đọc lại chương này nhiều lần để khắc ghi những bài học quan trọng này, chắc chắn bạn sẽ thấu hiểu được chúng. Bạn sẽ tiết kiệm được “ngu phí” một cách không cần thiết.

Bộ Sách: “LÀM GIÀU TỪ CHỨNG KHOÁN (phiên bản mới) + “Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM”

Trả lời