HÃY LÀM QUEN VỚI CÂU CHUYỆN: “LỢI NHUẬN CAO KỶ LỤC NHƯNG GIÁ CỔ PHIẾU LẠI BẤT NGỜ GIẢM GIÁ MẠNH”.

Tôi thấy điều này đã xảy ra rất nhiều lần: một công ty được xem như là vĩ đại. Công ty tham gia vào một thị trường mới, tung ra một sản phẩm mới đầy triển vọng, lợi nhuận biên vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh- tất cả tạo nên một câu chuyện huyền thoại về sự tăng trưởng của công ty. Khi báo cáo cáo quý được công bố, mọi chuyện vẫn trông rất tốt vì doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với quý trước hoặc cùng kỳ năm trước.

Nhưng ngay lập tức cổ phiếu giảm giá. Thực sự, nó rớt rất nhanh. Bạn cảm thấy điều này không bình thường và không quen thuộc. Công ty đang tăng trưởng và những số liệu tài chính rất tốt. Và thậm chí, những công ty chứng khoán hàng đầu đang đưa nó vào vị trí đầu tiên trong danh sách khuyến nghị mua.

Lúc này, bạn vội vàng cho rằng thị trường đang sai lầm, và nghĩ mình đã phát hiện một cơ hội đầu tư tuyệt vời. Bạn nói với chính mình cổ phiếu này đang rẻ hơn so với tháng trước, vì thế nên mua thêm cổ phiếu này. Tại sao lại không chứ?

Câu trả lời đến từ “thuyết minh khác (differential disclosure)”, là những thông tin quan trọng bạn không hề biết nhưng các nhà đầu tư tổ chức lớn lại biết rõ (chính các nhà đầu tư tổ chức lớn là thủ phạm của những đợt giảm giá mạnh). Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin đầy đủ, bạn không phải là người ra quyết định sáng suốt.

Thuật ngữ “Thuyết minh khác” được sử dụng trong kế toán điều tra. Về cơ bản, nó là thông tin được báo cáo trong một tài liệu, chẳng hạn như báo cáo thường niên của công ty, khác với cái được công bố với cơ quan thuế hoặc với hồ sơ nộp lên Ủy Ban Chứng Khoán Hoa Kỳ (SEC). Không cần phải nói, ai cũng hiểu đây thực sự là lời cảnh báo khi một công ty nói với cổ đông một đằng nhưng lại nói với SEC theo một cách khác.

Ở đây, tôi áp dụng khái niệm “thuyết minh khác” trong một bối cảnh khác. Giả sử hãy thảo luận về lợi nhuận của doanh nghiệp XYZ vừa mới công bố. Kết quả kinh doanh đánh bại ước tính của các chuyên gia phân tích về lợi nhuận biên tốt, nhưng cổ phiếu này lại giảm tới 15% với khối lượng lớn nhất từ đầu năm. Khi điều này diễn ra, tôi không nên mua vào cổ phiếu này, thậm chí nó từng là một trong những cái tên hàng đầu trong danh sách mua của tôi.

Rõ ràng, có một “thuyết minh khác” đang xuất hiện, giữa điều mà công ty công bố với đại chúng và thông tin riêng dành cho các nhà đầu tư tổ chức lớn. Các nhà đầu tư tổ chức đang bán tháo cổ phiếu này. Bất kể bạn đang nghĩ gì, các định chế tài chính đang bán tháo cổ phiếu này. Tôi muốn mua cổ phiếu mà các nhà đầu tư tổ chức cũng muốn tích lũy, vì thường đó là lực đẩy tốt nhất giúp cổ phiếu tăng cao hơn.

Nhiều khả năng bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội mua khi đợt kéo ngược này kết thúc. Tuy nhiên, chắc chắc là công ty đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng khiến câu chuyện tăng trưởng của công ty đang bị lu mờ. Chúng ta có thể biết được điều này là gì khi mọi chuyện đã rõ như ban ngày. Nhưng quyết định giao dịch phải được thực hiện ngay bây giờ. Để giao dịch thành công, bạn không thể là Người Biết Rồi Mới Nói (Monday Morning Quaterback), người có thể chơi sau khi biết sự thật, tức bạn biết khi nào cổ phiếu sẽ đảo chiều. Bạn phải quản trị rủi ro theo thời gian thực. Vào lúc này, bạn phải tự hỏi bản thân: Nếu công ty này là rất vĩ đại, câu chuyện của nó thật tuyệt vời, và báo cáo lợi nhuận cũng như doanh số quá tốt, thì lý do nào khiến cổ phiếu này giảm mạnh đến thế?

Trên thị trường chứng khoán, không có sự thật nào mà không có người tin. Đó là lý do tại sao bạn không nên mua theo những câu chuyện huyền thoại và đừng bao giờ mua mà không có sự xác nhận kỹ thuật của giá. Đơn giản là vì không cần thiết phải làm thế vì còn có nhiều công ty khác ngoài kia đáp ứng tất cả tiêu chí đầu tư của bạn. Hãy lãi kép số tiền, đừng lãi kép sai lầm. Mục tiêu của bạn là mua khi giá ở xu hướng tăng- không phải xu hướng xuống. Thậm chí nếu chiến lược mua của bạn liên quan đến việc mua tại một mức hỗ trợ hoặc một đợt kéo ngược về đường trung bình di động, tốt hơn hết là hãy chờ đợi cho đến cổ phiếu bật tăng trở lại hơn là mua khi nó đang rơi tự do vì bạn sẽ không bao giờ biết cổ phiếu sẽ còn giảm bao xa (xem hình 5-4)

Hình 5-4 Cổ phiếu Crocs (mã CROX) năm 2008. Vào ngày 1 tháng 11 năm 2007, Crocs công bố lợi nhuận tăng 144%. Tuy nhiên, giá cổ phiếu bất ngờ giảm 36% vào ngày hôm đó với khối lượng cao nhất kể từ khi IPO. Cổ phiếu này cũng đã kết thúc tuần với mức giảm mạnh nhất (tính theo tuần) với khối lượng lớn nhất.

Trong giao dịch cổ phiếu, các yếu tố cơ bản và những câu chuyện huyền thoại về công ty không quan trọng bằng việc các nhà đầu tư tổ chức đánh giá các số liệu này như thế nào (họ là yếu tố quan trọng nhất để đẩy giá cổ phiếu tăng vọt). Những câu chuyện huyền thoại, báo cáo lợi nhuận và định giá không làm giá cổ phiếu thay đổi, mà chính các nhà đầu tư lớn làm chuyện đó. Không có những người sẵn sàng mua vào, cổ phiếu của những công ty hàng đầu cũng không đáng giá hơn những tờ giấy. Hãy học cách tìm kiếm sự thật bằng đôi mắt, đừng nghe bằng đôi tai. Nếu hành động giá không xác nhận những yếu tố cơ bản, hãy tránh xa nó!

2 thoughts on “HÃY LÀM QUEN VỚI CÂU CHUYỆN: “LỢI NHUẬN CAO KỶ LỤC NHƯNG GIÁ CỔ PHIẾU LẠI BẤT NGỜ GIẢM GIÁ MẠNH”.

Trả lời