Sử dụng phần mềm TradeGuider để phân tích VSA

A- TỔNG QUAN VỀ VSA

VSA (Volume Spread Analysis- Phân tích chênh lệch giá và khối lượng) là lý thuyết nghiên cứu giá trong mối quan hệ với khối lượng. VSA theo dõi hoạt động của các nhà giao dịch chuyên nghiệp hay  dòng tiền thông minh. Dòng tiền thông minh là các nhà đầu tư tổ chức lớn như Big Bank, Quỹ Phòng Hộ…Hoạt động giao dịch của họ luôn để lại dấu vết trên hành động giá và khối lượng.  Phân tích VSA là cách tốt để hiểu tâm lý và cảm xúc thị trường.

Richard Wyckoff được xem như là cha đẻ của VSA. Sau này được nhiều nhà phân tích khác phát triển như Tom Williams, Gavin Holmes, Anna Coulling, Richard Ney, Rafal Glinicki, Davis Weis…

Các thành phần của Phân Tích VSA

  • Spread: Là chênh lệch giữa giá cao nhất và giá thấp nhất.
  • Khối lượng: khối lượng trong khung thời gian quan sát.

 

Kết quả hình ảnh cho spread vsa

3 quy luật của Wyckoff. Để phân tích VSA, bạn phải hiểu về 3 quy luật nền tảng của Wyckoff.

  • .Quy luật Cung – Cầu (Supply-Demand): Đây là quy luật đầu tiên và căn bản nhất. Khi Cầu lớn hơn Cung, giá sẽ tăng. Khi Cung lớn hơn Cầu, giá sẽ giảm
  • Quy luật Nguyên nhân (cause) – Kết quả (effect): Quy luật thứ 2 nói rằng, để có được kết quả, trước tiên bạn phải có 1 nguyên nhân, và hơn nữa, kết quả này phải tỷ lệ cân đối trực tiếp với nguyên nhân. Nói theo 1 cách khác, 1 khối lượng giao dịch nhỏ chỉ có thể tạo nên 1 hành động giá nhỏ. Và khối lượng giao dịch lớn, sẽ tạo nên hành động giá lớn.
  • Quy luật Nỗ lực (effort) – Kết quả (result): Quy luật thứ 3 này cũng tương tự như định luật thứ 3 của Newton. Mỗi một hành động đều có 1 phản ứng cân bằng và ngược lại với nó.

4 giai đoạn của VSA

  • Tích Lũy (Accumulation): Điều này xảy ra khi cung và cầu cân bằng. Các nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ tham gia ở giai đoạn này để thu gom cổ phiếu.
  • Tăng giá (Mark Up). Điều này xảy ra khi  Cầu lớn hơn Cung khiến giá tăng. Đây là giai đoạn nhà giao dịch chuyên nghiệp đã gom hàng xong và thực hiện các cú đánh chiến lược để đẩy giá tăng.
  • Phân phối (Distribution)> Là Giai Đoạn Cung và Cầu tái lập sự cân bằng sau khi quá trình tăng giá đã đi đến đoạn cuối.
  • Giảm giá (Mark Down). Xảy ra khi Cung lớn hơn cầu khiến giá giảm

Ghi chú: Đồ thị trên được trích dẫn từ Anna Coulling. Tác giả sử dụng thuật ngữ Buying Climax (mua cao trào) và Selling Climax (Bán Cao trào) hơi ngược với nhiều người trong giới VSA sử dụng. Tôi đề nghị đảo chỗ tên của hai thuật ngữ này. (xem bản gốc bên dưới của Wyckoff)

Sau đây là hình ảnh chính xác trong phân tích của Wyckoff. Đó là sự kết hợp giữa 4 giai đoạn của chu kỳ thị trường với các mẫu hình tạo đỉnh và thiết lập đáy của Wyckoff.

Các nhóm tín hiệu mạnh (SOS) và tín hiệu yếu (SOW)

  • Tín HIệu Yếu (SOW)

Nguyên Lý 1: Thanh giá tăng với spread thấp, đóng cửa ở giữa hoặc ở đáy, đi kèm với khối lượng rất cao hoặc thấp. Các nhà giao dịch chuyên nghiệp sẽ bán ra khi có lực mua tăng mạnh từ đám đông đại chúng. Spread thấp cho thấy lực cung của các nhà giao dịch chuyên nghiệp. ĐIều này khiến thị trường đạt đỉnh.  KHối lượng cao cho thấy dư cung. Khối lượng thấp cho thấy thiếu lực cầu. Kiểm tra các mức kháng cự cũ bên trái.

Nguyên lý 2: Thị trường đang giao dịch khá ổn. Bất ngờ có một cú giảm mạnh nhốt nhiều trader vào một vị thế lỗ khiến họ chờ đợi và hy vọng có một cú tăng giá để được giải cứu. Nếu sau đó thị trường tăng giá, nó cần phải vượt qua các mức kháng cự để giải cứu các trader này. Nếu nó tiến tới đỉnh cũ (kháng cự cũ) với khối lượng thấp và spread hẹp cho thấy đỉnh cũ khó bị xuyên phá, đó là biểu hiện của thiếu lực cầu. Thị trường có thể giảm sau đó.

Nguyên lý 3: Xuất phát từ quy luật số 3 của Wyckoff (Nỗ Lực và Kết Quả). Bất cứ các nỗ lực mạnh mẽ cần mang tới kết quả tương xứng. Nếu giá giảm mạnh với spread rộng, khối lượng lớn (nỗ lực lớn để giảm giá), bạn nên kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm sau đó (kết quả). Nếu giá tăng mạnh với spread rộng, khối lượng lớn (nỗ lực lớn để tăng giá), bạn nên kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng sau đó. Nếu không có điều bạn kỳ vọng, đó là dấu hiệu yếu.

NGuyên lý 4: Up Thrust.  Đây là thuật ngữ thường được sử dụng để kết thúc xu hướng tăng. Up Thrust giống như Pin Bar hay Cái Đuôi Con Chuột Túi.

Nguyên Lý 5: Các thanh giá tăng với khối lượng thấp hơn hai phiên trước được xem là No Demand (thiếu lực cầu từ các nhà giao dịch chuyên nghiệp).

Nguyên lý 6: Các cú giảm với Spread lớn, khối lượng lớn phá thủng các hỗ trợ gần đó.

Nguyên Lý 7: Đây là dạng Hidden Up-Thrust (tức Up Thrust ẩn).

Nguyên lý 8: Sự tăng vọt của khối lượng trên hợp đồng quyền chọn.  Các nhà giao dịch chuyên nghiệp khi nhận ra thị trường cơ sở có khả năng đạt đỉnh, họ sẽ tham gia vào thị trường quyền chọn để phòng ngừa (hedge).

Nguyên lý 9: Mua Cao Trào (Buy Climax). Đó là một thanh giá tăng với Spread rộng đi kèm với khối lượng rất cao.

Nguyên lý 10: Đảo chiều đỉnh. Thanh giá đầu tiên tăng mạnh và đóng cửa ở đỉnh. Khối lượng của thanh giá này cao hoặc thấp. Thanh giá tiếp theo đảo chiều giảm với Spread rộng, đóng cửa ở đáy.

  • Các dấu hiệu SOS (dấu hiệu tăng giá)

Nguyên lý 1: Đảo chiều đáy.  (ngược lại với đảo chiều đỉnh). Thanh giá đầu tiên có spread rộng và đóng cửa ở đáy. Thanh giá tiếp theo tăng mạnh với spread rộng và đóng cửa ở đỉnh.

Nguyên lý 2: Stopping Volume. (xem phần sau)

NGuyên Lý 3: Test (xem phần sau)

Nguyên lý 4: Thanh giá giảm đóng cửa ở giữa với khối lượng giảm dần sau khi có bất cứ tín hiệu SOW nào kể trên. Điều này cho thấy lực bán bị suy yếu.

Nguyên lý 5: Một phiên thanh giá tăng với spread rộng vượt qua các đỉnh cũ. Đây là lực cầu mạnh và nỗ lực lớn để đẩy giá tăng.

Nguyên lý 6. Đây là chỉ báo sức mạnh rất hiệu quả. Đầu tiên bạn nên nhìn thấy Stopping Volume. Thị trường sau khi tăng giá ngắn ngủi thì giảm trở lại bên trong khu vực có khối lượng lớn ban đầu (có thể là Stopping Volume), với khối lượng thấp. Nếu spread thấp và đóng cửa ở đỉnh thì đó là một SOS.

Nguyên lý 7: MỘt dạng biến thể của Stopping Volume qua 2 thanh giá chứ không phải 1 thanh giá. Thanh giá đầu tiên có lực cung quá mạnh nên các nhà giao dịch chuyên nghiệp không kịp hấp thụ hết. Thanh giá tiếp theo có thể giảm vì “tin tức” quá xấu. Thậm chí có thể mở Gap Down. Tuy nhiên, nếu nó đóng cửa ở gần đỉnh hoặc ở giữa cho thấy lực cầu đã vượt qua lực cung.

NGuyên lý 8: Test ẩn. Đây là một dạng biến thể của đảo chiều đáy. Nếu thị trường giảm phá đáy của 4 thanh giá trước bằng một spread rộng, đóng cửa ở đáy, nhưng thanh giá tiếp theo tăng với spread rộng và đóng cửa ở đỉnh thì đó là một SOS.

NGuyên lý 9: Selling Climax (Xem phần sau).

B- CÁC THUẬT NGỮ KHI SỬ DỤNG TRADE GUIDER CỦA TOM WILLIAMS

Tom Williams là tác giả của cuốn sách Master the Market, người có công lớn trong việc phát triển phương pháp VSA đến với cộng đồng. Tom Williams xây dựng phần mềm Trade Guider để hỗ trợ các trader thực hành phân tích VSA dựa trên các nghiên cứu AI (Thần Kinh Nhân Tạo) về từng thanh giá và khối lượng.

Kết quả hình ảnh cho Master the Market,

Sau đây là một số thuật ngữ và hướng dẫn sử dụng phần mềm Trader Guider (một công cụ được sử dụng bới các thành viên Trend Trader. Phần mềm Trade Guide được dành riêng cho nhóm)

Up-Thrust là một SOW (Dấu hiệu suy yếu). Giá tăng trong suốt ngày với spread rộng nhưng gần cuối phiên lại đóng cửa ở đáy của ngày với khối lượng thấp. Phần mềm Trade Guider sẽ hướng dẫn và báo cho bạn biết khả năng có Up Thrust ở thanh trạng thái (khoanh tròn bên dưới, chỗ có mũi tên đỏ).

Increased Selling (Áp lực bán tăng lên). Một thanh giá tăng với khối lượng lớn nhưng ngày tiếp theo giá lại lưỡng lự tăng giá cho thấy có lực cung đang đổ vào thị trường. Bằng cách nhấp vào hình vuông màu đỏ, thanh trạng thái sẽ báo cho bạn biết đây là “Increased Selling”

Stopping Volume: Giá giảm mạnh với khối lượng lớn, spread rộng. Tuy nhiên, ngày tiếp theo lại là thanh giá tăng, đóng cửa ở đỉnh. Điều này cho thấy bên mua đã hấp thụ lực bán ở thanh giá giảm trước đó. Chỉ có thể là dòng tiền thông minh làm điều này. Đây là tín hiệu SOS. Bằng cách nhấp vào tam giác màu xanh, thanh trạng thái sẽ báo cho bạn biết đó là “Stopping Volume”

Shake Out (Rủ bỏ). Các cú Shake Out luôn được thể hiện bằng các cú giảm với spread rộng, sau đó đảo chiều đóng cửa ở gần đỉnh, đi kèm với khối lượng lớn. (Chúng ta thường gọi đó là Pin Bar đi kèm volume lớn). Các trader chuyên nghiệp sẽ lợi dụng thông tin xấu để nhảy vào mua hoặc chính họ sẽ tạo nên cú rũ bỏ như thế. Bằng cách nhấp chuột vào tam giác màu xanh, thanh trạng thái của Trade Guider sẽ thông báo cho bạn biết đây là cú “Shake out” khi phần mềm nhận diện ra.

Selling Climax (Bán Cao Trào). Đó là một cú giảm mạnh với Spread rộng và khối lượng rất cao. Đám đông đang rất hoảng loạn. Nhưng ngày tiếp theo là tăng giá. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh đã nhảy vào hấp thụ ở phiên giảm giá. Bàng cách nhấp chuột vào tam giác màu xanh, phần mềm Trade Guide sẽ thông báo “Selling Climax” ở thanh trạng thái.

Test (Kiểm Tra). Test là một phần quan trọng mà các nhà giao dịch chuyên nghiệp muốn làm để kiểm tra lượng hàng trôi nổi có còn không trước khi quyết định đẩy giá. Test diễn ra trong cả thị trường yếu và mạnh. Trong một thị trường con gấu mạnh, với nhiều cú giảm giá với spread rộng. Bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy các cú test. Đây là dấu hiệu SOS. Các cú test nên đi kèm với khối lượng thấp và đóng cửa ở gần đỉnh.  Trong trường hợp thị trường con gấu mạnh, các cú test khó dẫn tới tín hiệu tăng giá mà đó là dấu hiệu cho thấy con gấu suy yếu và có thể thị trường bước vào giai đoạn sideway (xem hình dưới). Nếu test đi kèm với khối lượng lớn, ám chỉ đó là cú test thất bại.

No Demand. Phần mềm Trade Guider sẽ nhận diện ra No Demand ở thanh trạng thái khi thấy các thanh giá với spead hẹp, khối lượng thấp và đóng cửa ở giữa hoặc ở đáy.

Phần mềm Trade Guide có hàng trăm sự nhận diện mà bạn có thể sử dụng để có được sự tư vấn tuyệt vời khi phân tích VSA. Khi sử dụng phần mềm này bạn sẽ thấy các chỉ báo (indicator) dạng hình chữ nhật hoặc tam giác với màu sắc xanh đỏ khác nhau. Trade Guide phân chia cấp độ tín hiệu như sau:

  • Hình Chữ Nhật Màu Đỏ Hoặc Xanh (Green). Đó là dấu hiệu mạnh cho thấy khả năng chuyển động giá hiện tại sẽ dừng và đảo chiều. Xanh là đảo chiều đáy và đỏ là đảo chiều đỉnh.
  • Tam Giác màu đỏ hoặc xanh. Là dấu hiệu cho thấy khả năng có một sự điều chỉnh trung han (intermediate) trong chuyển động giá hiện tại. Tín hiệu này yếu hơn so với hình chữ nhật.
  • Tam giác hoặc hình chữ nhật màu xanh lơ (pale). Đây không phải là một tín hiệu rõ ràng. Nó chỉ ra những thay đổi còn mơ hồ trong yếu tố cung và cầu.

CẢNH BÁO: PHÂN TÍCH VSA KHÔNG TẠO RA CÁC TÍN HIỆU GIAO DỊCH CỤ THỂ. NÓ LÀ MỘT CÔNG CỤ GIÚP BẠN THẤU HIỂU HÀNH VI VÀ TÂM LÝ CỦA THỊ TRƯỜNG THÔNG QUA ĐỌC HÀNH ĐỘNG GIÁ VÀ KHỐI LƯỢNG. PHÂN TÍCH VSA LÀ MỘT NGHỆ THUẬT CHỨ KHÔNG PHẢI KHOA HỌC CHÍNH XÁC. SỰ HỖ TRỢ CỦA TRADE GUIDER KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TÍN HIỆU MUA BÁN TUYỆT ĐỐI MÀ LÀ MỘT GUIDER (NGƯỜI HƯỚNG DẪN), GIÚP BẠN HIỂU HƠN VỀ TÂM LÝ THỊ TRƯỜNG QUA TỪNG THANH GIÁ.

CÁC TÍN HIỆU TỪ PHẦN MỀM TRADEGUIDER CHỈ LÀ TƯƠNG ĐỐI. TRADER VẪN PHẢI HỌC CÁCH ĐỌC VSA ĐỂ XÁC NHẬN VÀ CONFIRM LẠI SỰ NHẬN DIỆN TỪ PHẦN MỀM

 

 

 

 

 

Trả lời