Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có bơm thêm ‘bong bóng’ cho thị trường chứng khoán?

Sức tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán (TTCK) trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán tại quý 3/2020 bất chấp sự ảm đạm của nền kinh tế thực, sự đổ vỡ của chuỗi cung ứng, sự khó khăn của lương thực và sự leo thang bất ổn địa chính trị toàn cầu khiến chúng ta không khỏi e ngại. Virus Corona Vũ Hán dường như đang bơm thêm bong bóng cho TTCK toàn cầu…

Vào ngày 06/08/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhắc lại về vấn đề đại dịch viêm phổi Vũ Hán rằng “từ nay mối đe dọa lớn nhất là sự buông thả… phần lớn dân cư trên thế giới vẫn còn nguy cơ bị lây nhiễm… Chúng ta đã qua sáu tháng kể từ đầu đại dịch, nhưng chưa phải là lúc nới lỏng cảnh giác”. Trên TTCK, dường như sự buông thả đã trở thành vấn đề cần cảnh báo… 

TTCK đã từ lâu tách khỏi nền kinh tế thực – Dịch viêm phổi Vũ Hán một lần nữa xác nhận đặc tính này

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhiều tuần liên tiếp, gần trở về mức đỉnh trước đại dịch virus Vũ Hán (Nguồn: Trading Economics)

Cho đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 13,28%. Nhưng mức tăng này cũng không là gì so với mức tăng 44,49% so cùng kỳ của chỉ số chứng khoán NASDAQ 100 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ S&P 500 đã lấy lại mức của nó vào đầu năm 2020.

Trong hai quý đầu năm 2020, thị trường chứng khoán đã tuần tự đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2/2020, rồi lao dốc mạnh giảm gần 1/3 giá trị vốn hóa TTCK, trước khi tăng mạnh trở lại cũng đột ngột như sự lao dốc trước đó.

Không chỉ trên TTCK Mỹ, tại Châu Á, thậm chí là tại Trung Quốc, nơi xuất sinh đại dịch, cũng phải chịu đựng các “đòn tấn công” đa diện mạnh mẽ trên mọi phương diện chính trị – kinh tế – tài chính. Khi các doanh nghiệp (hàng hóa của TTCK) đang vật lộn với rủi ro, thua lỗ, nợ nần thì TTCK vẫn tăng đến mức “không thể dừng lại”.

Chỉ số TTCK của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tăng mạnh so cùng kỳ 2019; chỉ số CSI 300 của Trung Quốc và KOSPI của Hàn Quốc cùng đồng loạt tăng tới 18,46% so cùng kỳ 2019. Khiêm tốn nhất như Nhật Bản, chỉ số NIKKEI 225 cũng tăng 6,61% so với cùng kỳ 2019. Thời điểm TTCK phát triển mạnh mẽ vì không có virus hay có bất kỳ đổ vỡ chuỗi cung ứng hoặc mất mát thị trường do đóng cửa nền kinh tế… 

Các chỉ số chứng khoán trên thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi chưa có đại dịch (Nguồn: Trading Economics)

Đơn giản đây là điều chưa bao giờ thấy, như biểu đồ minh họa dưới đây.

Biểu đồ so sánh chỉ số chứng khoán trong hai quý cuối cùng với những gì người ta đã biết qua những lần sụp đổ khác gần đây của giá trị chứng khoán. Vào mùa xuân, chỉ một tháng đã đủ cho chỉ số chứng khoán S&P 500 mất đi 1/3 giá trị (đường biểu diễn màu xanh đậm), so với một năm trong trường hợp khủng hoảng do cho vay thế chấp dưới chuẩn năm 2007 (đường biểu diễn màu vàng), và một năm rưỡi so với sự sụp đổ của bong bóng Internet năm 2000 (đường biểu diễn màu xanh lá cây).

So với hai cuộc khủng hoảng tài chính cực lớn trước đó, tốc độ lao dốc của TTCK trong đại dịch sâu đến mức tưởng như khó vực dậy, nhưng rốt cuộc TTCK lại leo dốc nhanh đến mức khó có thể tưởng tượng (hình chữ V sâu)

TTCK chỉ là ‘hàn thử biểu’ của chính sách tiền tệ, chứ không phải của nền kinh tế thực? 

Từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, các thị trường dường như chỉ làm theo cách của mình. Trước tiên là TTCK “lờ đi” đại dịch ở Trung Quốc trong một thời gian dài, rồi sau đó lại hốt hoảng khi châu Âu trở thành tâm dịch. 

Nhưng ngay sau cú hoảng hốt đó, thị trường hành xử như thể việc hàng triệu người bị nhiễm Covid-19, 400.000 người chết, và việc cách ly một nửa dân số thế giới cuối cùng sẽ không có ảnh hưởng gì lên nền kinh tế.

Trong một bài báo mới đây của loạt bài Covid Economics (Kinh tế học thời Covid) của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế (Centre for Economic Policy Research – CEPR), khi các chuyên gia kinh tế tìm hiểu mối liên hệ giữa các khu vực nền tảng (y tế, kinh tế, thể chế) và hiệu quả của các TTCK trên thế giới trong khủng hoảng đại dịch. Thông qua việc tập hợp hàng chục ngàn quan sát trên 70 quốc gia, một lần nữa các nhà kinh tế học xác nhận chỉ tồn tại một mối liên hệ rất lỏng lẻo giữa các lĩnh vực nền tảng nêu trên và các TTCK quốc tế.

Theo lý thuyết, hàng hóa trên TTCK chính là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp chẳng phải chính là nền kinh tế thực, nơi hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe, sự hiệu quả của thể chế, y tế… Khi hàng hóa chất lượng kém, sức sinh lời giảm đi, suy giảm quy mô doanh thu, lợi nhuận, thậm chí rủi ro mất khả năng thanh toán, không có lý do gì giá cả lại có thể tăng. 

Bởi thế, TTCK vốn luôn được xem như hàn thử biểu của nền kinh tế (đo lường được “sức khỏe” của toàn bộ nền kinh tế) kể từ khi nó xuất hiện. Nhưng sự phản ứng của TTCK trong suốt một thập kỷ gần đây, khi TTCK vẫn tăng trưởng ‘bừng bừng” bất chấp nền kinh tế thực rơi vào tăng trưởng trì trệ, chính sách tiền tệ nới lỏng vô hạn định để cứu vớt tăng trưởng, doanh nghiệp khó khăn, các cảnh báo vỡ nợ doanh nghiệp liên tiếp xuất hiện tại IMF, ABD, WB… thì dường như TTCK không còn là hàn thử biểu của nền kinh tế thực nữa. TTCK chỉ phản ánh mức độ mở rộng hay thu hẹp của chính sách tiền tệ mà thôi. 

Điều này có nghĩa là tiền giá rẻ không hấp thụ hết vào nền kinh tế thực, nó trở thành dòng tiền đầu cơ trên các sàn chứng khoán, nó khiến cho mọi tài sản tài chính có thể đầu cơ như cổ phiếu, trái phiếu, sản phẩm tài chính phái sinh bừng bừng sinh khí… Tiếc là, sinh khí này đến từ giá trị ảo của đầu cơ chứ không phải từ tầm nhìn dài hạn, sau khi phân tích cơ bản về một doanh nghiệp tốt hoặc một ngành công nghiệp tiềm năng…. 

Chỉ có điều này mới giải thích tại sao TTCK không hề “ngã quỵ” trong đại dịch. Sau phút bàng hoàng về đại dịch và tương lai u ám của nền kinh tế toàn cầu, ngân hàng thương mại (NHTW) các nước hối hả bơm tiền bất chấp thực trạng kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái hoàn toàn tê liệt. Dòng tiền này, trở thành cứu cánh cho TTCK toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng ảo trên TTCK mà không quan tâm tới kết quả kinh doanh, “sức khỏe” thực sự của hàng hóa (chính là các doanh nghiệp trên thị trường đó). 

Một sự dao động giữa lòng ham lợi và sự sợ hãi

Xét cho cùng, điều này không mới cho lắm. Diễn biến của giá cổ phiếu trong các giao dịch chứng khoán đã không ngừng gây ngạc nhiên. Ngay từ năm 1720, nhà vật lý học và toán học thiên tài Isaac Newton đã thừa nhận với ít nhiều cay đắng rằng mình có khả năng “tính toán sự vận động của các thiên thể trong vũ trụ, nhưng không tính được sự điên cuồng của các đám đông”.

Ba thế kỷ sau, chính Paul Krugman, người được giải thưởng vào năm 2008 của Ngân hàng Thụy Điển về khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel, đã tiếp nối ý tưởng của Newton và viết trên New York Times:

“Điều không tốt đối với Mỹ đôi khi lại là điều tốt cho thị trường… bạn phải nhớ ba quy tắc sau đây. Thứ nhất, TTCK không phải là nền kinh tế. Thứ hai, TTCK không phải là nền kinh tế. Thứ ba, TTCK không phải là nền kinh tế… Mối liên hệ giữa thành tích của các cổ phiếu chứng khoán – phần lớn được định đoạt bởi sự dao động giữa lòng ham lợi và sự sợ hãi – và tăng trưởng của nền kinh tế thực luôn luôn yếu ớt hoặc không có thực”.

Một người được giải “Nobel” kinh tế khác là Robert Shiller, ông cũng đã nhấn mạnh đến những tin đồn và diễn biến tâm trạng – cũng dễ lây như chính con virus – là những yếu tố chi phối nhịp điệu của thị trường:

Những giá cả đầu cơ không liên quan chặt chẽ với những thông tin chân thực… Những câu chuyện lây lan về virus Corona có động thái nội tại của riêng chúng, và động thái này chỉ liên quan một cách mơ hồ với thực tại của thông tin”.

Những lời của Krugman và Shiller chắc chắn không làm công chúng ngạc nhiên, nhưng tiếng nói của họ lạc điệu đối với phần lớn các nhà kinh tế học. Động thái của giá cả cổ phiếu chứng khoán trong đại dịch thoạt đầu có vẻ vô lý, phi lý, thậm chí điên rồ.

Nhưng khi nhìn kỹ hơn, ta lại thấy rõ là các thị trường không phản ứng một cách hoàn toàn mù quáng. Dù vậy, rủi ro hiện hữu thực sự là rất lớn.

Phân tích tài chính cơ bản có còn được trọng dụng trong tương lai? 

Nhiều tác giả trong số những người lỗi lạc nhất (Augustin Landier – giáo sư trường Thương mại cao cấp Paris, David Thesmar – giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts; Ross Levine – Giáo sư Đại học California, Berkeley; René Stulz – nguyên chủ bút tờ báo rất uy tín Journal of Finance) gần đây đã chỉ ra rằng các nhà đầu tư đã biết phân biệt những doanh nghiệp có nhiều nguy cơ nhất.

Dù cho những doanh nghiệp này yếu kém hơn về mặt tài chính, lệ thuộc sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu, hoặc dễ bị tổn thương về mặt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phản ứng của thị trường vẫn nhất quán với những dự báo của các nhà phân tích, ít nhất là trong trung hạn.

Ngoài ra, sự bật dậy trở lại của nền kinh tế gắn kết một cách rõ ràng với hành động đặc biệt vượt mức tưởng tượng của các NHTW mà đứng đầu là Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, đã bơm vào nền kinh tế hàng trăm tỷ USD.

Cũng có sự thật là tình hình y tế và kinh tế có cải thiện (một ít) ở châu Âu và ở Mỹ. Cuối cùng, một vài doanh nghiệp, trong đó có 5 tập đoàn nổi tiếng là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft (viết tắt là GAFAM) đã biết cứu lấy những lợi ích riêng của mình.

Nhưng có thể nào tưởng tượng nổi đại dịch kinh khủng này không để lại những di chứng nghiêm trọng? Vấn đề của các nghiên cứu được nêu trên là chúng có xu hướng lạc quan nhìn chiếc cốc “đầy phân nửa”. Tất nhiên, nếu tìm kỹ, ta có thể liên kết diễn biến của TTCK với vài lĩnh vực nền tảng, nhưng không thể giải thích được một phần rất lớn những biến đổi quan sát được. Chiếc cốc vẫn còn trống hơn phân nửa.

Có một điều chắc chắn, đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm gia tăng một cách đáng kể sự ngờ vực của công chúng đối với hoạt động nghiên cứu, về dịch tễ học cũng như về kinh tế học. Các thảo luận của chuyên gia cần kết hợp thực trạng mới này vào, trong một bối cảnh bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng, bởi sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, sự phát triển của các mạng lưới xã hội, ở đó thường có ít chỗ cho những biện pháp nửa vời.

Trà Nguyễn – Tâm An

Trả lời