[VFA Insight, 13/01/2021] Thị trường phản ứng khi vừa chạm 1200, xuất hiện ngày phân phối đầu tiên

Sau khi mở cửa, chỉ số VNIndex nhanh chóng chạm vào ngưỡng tâm lý 1200, là mức đỉnh cách đây 3 năm. Nhưng áp lực bán ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VNM, VCB khiến chỉ số bị tác động tiêu cực. GVR là một trong những mã vốn hóa lớn hiếm hoi giữ mức tăng trần trong phiên ngày hôm nay.

Chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1186 tương ứng với mức giảm 0.52%. Khối lượng cao hơn phiên hôm trước tạo nên ngày phân phối nhẹ. Đây là ngày phân phối đầu tiên của VN-Index kể từ khi được xóa sạch vào cuối năm 2020. Đồng thời là phiên giảm điêm đầu tiên sau chuỗi 8 ngày tăng giá liên tiếp. Trong mô hình CANSLIM, ngày phân phối đầu tiên chưa gây ảnh hưởng lớn đến khả năng thay đổi xu hướng thị trường chung. Độ rộng của thị trường ủng hộ đà tăng của thị trường khi các nhóm ngành dẫn dắt vẫn duy trì đà tăng giá.  Theo thống kê của VFA, có tổng cộng 81 mã cổ phiếu đang vượt đỉnh 52 tuần trải dài khắp các nhóm ngành như bất động sản, dịch vụ vận tải, hóa chất, thực phẩm, xây dựng xây lắp. Về phía ngược lại, có 1 mã cổ phiếu đang phá đáy 52 tuần. Thị trường vẫn ở trạng thái tích cực khi có 206 mã vẫn đang giao dịch trên đường trung bình 50 ngày.

Ngoài ra, thị trường đang được ủng hộ bởi chính sách tiền “rẻ” khi dòng tiền F0 tham gia vào thị trường rất mạnh mẽ. 

VNIndex mở cửa với một cửa sổ tăng giá, sau đó giảm điểm. Giá đóng cửa gần với mức giá thấp nhất trong ngày. Tuy nhiên thân nến không quá dài do đó chưa thể hiện rõ sức mạnh giảm giá. Trong mô hình nến Nhật Bản, đây được gọi là Bearish Engulfing.  Mặc dù về lý thuyết đây là mẫu hình đảo chiều tương đối mạnh, nhưng theo thống kê của VFA trên Vnindex, trong 10 lần gần nhất xuất hiện mẫu hình này chỉ có 1 lần duy nhất VNindex giảm giá. Vì thế, chúng tôi vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường.

Tuy nhiên, như đã cảnh báo trong các bản tin trước, chỉ số VN-Index đang gặp phải kháng cự 1200 khi giá đã cách xa MA200 ngày khoảng 31%, đúng bằng khoảng cách từng xuất hiện vào đỉnh tháng 4.2020. Các điều chỉnh ngắn hạn trong xu hướng tăng là điều tất yếu nếu thị trường muốn đi xa hơn nữa.

Phần mềm đánh giá Nến Nhật Bản có sẵn trong Room Zalo Hỗ Trợ Sách khi bạn đọc mua sách tại kênh www.elibook.vn (add zalo 0977.697.420)

Tiêu điểm cổ phiếu

TCT- Công ty Cổ Phần Cáp Treo Núi Bà Tây Ninh

Đây là công ty có mô hình kinh doanh tương đối đơn giản và dễ hiểu. Công ty thực hiện vận chuyển khách du lịch từ dưới chân núi lên đỉnh núi Bà Đen- Tây Ninh bằng hệ thống cáp treo và hệ thống xe trượt. 

 

Núi Bà Đen nằm trong một quần thể di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng. Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam (986m) và là biểu tượng tâm linh nổi tiếng được du khách thập phương biết đến (Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Hệ thống di tích này bao gồm 3 ngọn núi : Núi Bà, Búi Phụng và Núi Heo. Ngoài ra còn bao gồm hàng trăm hang động và hàng chục chùa chiền. Trong đó nổi tiếng nhất là chùa Bà Đen. Có thể nói, Núi Bà Đen là nơi thu hút khách du lịch chủ yếu của tỉnh Tây Ninh. Những năm gần đây, lượng khách đến Tây Ninh tham quan, du lịch khoảng 2.6 triệu lượt/năm, phần lớn là khách nội địa. Hiện nay, hoạt động kinh doanh tại núi Bà Đen vẫn mang tính thời vụ. Du khách chủ yếu đi đông vào các dịp Lễ hoặc Tết (Du lịch tâm linh) chứ chưa có các dịch vu du lịch giải trí khác.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, TCT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Kết quả kinh doanh quý 2 và quý 3 lần lượt ghi nhận các khoản lỗ là -5.6 tỷ đồng và -5.9 tỷ đồng. Doanh số và lợi nhuận sụt giảm khi số khách đi cáp treo-xe trượt ống sụt giảm mạnh. Thông thường, quý 1 là thời điểm lễ tết và mùa vụ kinh doanh quan trọng chính của công ty nhưng năm nay cũng chỉ ghi nhận doanh thu 33 tỷ, bằng 1/3 so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid. Lợi nhuận quý 1/2-2020 cũng thấp nhất trong vòng 13 năm qua. Trong năm 2020, Công ty đã tạm ngựng hoạt động 2 lần từ 23/3 đến 23/5 và từ 1/9-26/9 để tiết kiệm chi phí vận hành khi khách hàng giảm trong đợt dịch covid. Bên cạnh đó, phải giảm cả giá vé để thu hút khách. Năm 2020, công ty đưa ra kế hoạch lỗ -2 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh của TCT chững lại sau khi bị biến thành “cháu” của Sun Group.

Bên cạnh đó, việc không còn độc quyền khai thác kinh doanh dịch vụ cáp treo tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen do đơn vị Sun World Ba Den đưa hệ thống cáp treo vào khai thác kinh doanh đầu năm 2020, đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của TCT. Từ năm 2018, Sun Group đã mua lại 81% cổ phần công ty mẹ của TCT. Sự tham gia của ông lớn trong ngành du lịch đã khiến hoạt động kinh doanh của TCT lao dốc. Tăng trưởng doanh thu ba năm qua của công ty từ 2017-2019 lần lượt giảm tốc: +13%; +10% và +3%. Không những thế, SunGroup còn lợi dụng nguồn vốn dồi dào của TCT tích lũy trong các năm trước để tài trợ vốn cho hệ sinh thái Sungroup. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông TCT. 

Tuyến cáp treo mới của Sun Group

Chất xúc tác :

  • Chúng tôi kỳ vọng với sự kiểm soát tốt của dịch Covid sẽ giúp công ty khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Hiện TCT đang tiến gần mùa vụ kinh doanh chính trong năm là Lễ-Tết.
  • Công ty điều chỉnh tăng giá vé và chia hạng vé theo khu vực địa lý. Giá vé người lớn 2 chiều danh cho người dân Tây Ninh là 200k, trẻ em là 120k. Trong khi đó người ngoại tỉnh lần lượt là 250k và 150k. Đây là giá vé áp dụng trong năm 2021. Việc tăng giá vé sẽ giúp công ty tăng doanh thu.
  • Công ty tiến hành dự án mở rộng sân chùa bà và dự án xử lý nước thải nhằm đem đến trải nghiệm tốt hơn do du khách. Hiện nay, lượng khách đến Chùa Bà Đen bị quá tải nên công ty đang tiến hành mở rộng sân chùa để tăng khả năng đáp ứng cho du khách.
  • Triển vọng kinh doanh tại khu vực Núi Bà Đen sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới với sự tham gia của ông lớn Sun Group, từng tuyên bố sẽ đánh thức Tây Ninh như núi Bà Nà. Sun Group đang tạo dựng nhiều công viên chủ đề như sân golf, khu nghĩ dưỡng…để phát triển du lịch chứ không đơn thuần chỉ làm dịch vụ du lịch tâm linh như trước. Dự kiến trong vài năm tới, lượt du khách đến đây sẽ tăng gấp đôi (5 triệu lượt khách/năm) và thời gian lưu trú lâu hơn. TCT tuy đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự tham gia của Sun Group, nhưng lưu ý TCT bây giờ là một thành viên trong gia đình Sun Group,chứ không phải là đối thủ cạnh tranh nên sẽ vẫn có thị phần riêng để hoạt động.
  • Một điểm chú ý khác,  TCT đang cho vay 100 tỷ đối với Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời thủ đô vay lãi suất 8% và cho vay 126 tỷ đối với Công ty TNHH Mặt trời Cát Bà vay lãi suất 9.5%  Cả hai công ty này đều liên quan đến Sun Group. Tổng trị giá khoản cho vay 226 tỷ đang chiếm 67% tổng tài sản của TCT. Với khoản cho vay này, TCT vẫn có dòng thu từ thu nhập tài chính. Xem thêm: Cáp treo Núi Bà Tây Ninh rót vốn vay vào dự án cáp treo ngàn tỷ của Sungroup.

    Tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long là tuyến cáp treo 3 dây nằm trên địa bàn xã Đồng Bài và xã Phù Long của huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Tuyến cáp có chiều dài 3,955 mét, có trụ cáp treo cao 214.8 m tính từ nền đất tự nhiên, với tổng vốn đầu tư là 2,207 tỷ đồng. Về phần Công ty TNHH Mặt trời Cát Bà (đơn vị thực hiện dự án cáp treo Cát Hải – Phù Long), tính đến ngày 28/12/2019, có 3 cổ đông là CTCP Tập đoàn Mặt trời (Sungroup) sở hữu 2%, và hai doanh nghiệp khác cũng thuộc Sungroup là CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan Sa Pa mỗi bên sở hữu 49%.

  • TCT không hề có nợ vay và ROE cao trên 20%/năm.

 

Bài viết được cung cấp bởi:

Võ Nguyên Huân

Phó Giám Đốc Công ty TNHH Elibook.

 

 

 

 

 

Trả lời